Tuyên truyền kỷ niệm 65 năm Ngày mở đường Hồ Chí Minh – Ngày truyền thống Bộ đội Trường Sơn.
Kỷ Niệm 65 Năm Trường Sơn - Đường Hồ Chí Minh huyền thoại (19/5/1959-19/5/2024) mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một "con đường huyền thoại", một kỳ tích của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước vĩ đại.
Sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, đất nước ta tạm thời bị chia cắt làm hai miền. Để giữ vững liên lạc giữa hai miền Nam - Bắc, bảo đảm cho Trung ương Đảng chỉ đạo phong trào cách mạng ở miền Nam, ta mới chỉ có một tuyến liên lạc qua miền Tây Quảng Trị. Tuy nhiên, con đường này không thể đáp ứng được yêu cầu vận tải người và vũ khí với số lượng lớn khi cách mạng miền Nam phát triển. Trước tình hình mới, ngày 19/5/1959 - trùng với ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Thường trực Tổng Quân ủy chính thức giao nhiệm vụ cho “Đoàn công tác đặc biệt”, biên chế bước đầu là 500 cán bộ, chiến sĩ chịu trách nhiệm xây dựng tuyến chi viện chiến lược, chuyển nhân lực, vật lực từ miền Bắc vào phục vụ cách mạng miền Nam.
Ra đời tháng 5/1959, Đoàn được mang phiên hiệu Đoàn 559. Con đường được khai sinh đúng ngày sinh của Bác, nên được mang tên đường Hồ Chí Minh. Từ đây, đường Trường Sơn được mang tên “Đường Hồ Chí Minh”, bắt đầu đi vào lịch sử như một huyền thoại sống về ý chí và trí tuệ, bản lĩnh của quân - dân Việt Nam.
Đoàn 559 có nhiệm vụ vừa vận chuyển, vừa mở đường hành quân. Với phương châm "đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng" để đảm bảo bí mật tối đa, đoàn thậm chí còn dùng ván gỗ để khi đi không để lại dấu vết trên đất rừng. Sau 3 tháng mở đường với tinh thần “xẻ dọc Trường Sơn đi cứu nước”, ngày 13/8/1959, chuyến hàng đầu tiên vượt Trường Sơn được chính thức bàn giao cho chiến trường Trị Thiên. Đây là dấu mốc có ý nghĩa to lớn đối với cách mạng Việt Nam, vì mỗi khẩu súng, viên đạn đến với chiến trường là thể hiện “ý Đảng”, “lòng dân”, là tình cảm của Bác Hồ kính yêu, của nhân dân miền Bắc gửi tới đồng bào, chiến sĩ miền Nam ruột thịt. Cũng từ đó, đường Hồ Chí Minh trở thành tuyến vận tải chiến lược không thể chia cắt của quân đội ta. Ban đầu, hàng hóa được vận chuyển bằng xe đạp thồ, xe bò. Đến tháng 12/1961, xe cơ giới bắt đầu được đưa vào phục vụ và tăng lên nhanh chóng.
Đến nay, đường Hồ Chí Minh đã hoàn thành và đưa vào sử dụng hơn 2.360 km, thể hiện rõ vai trò là con đường mang tính chiến lược trong phát triển, góp phần quan trọng bảo đảm chính trị, an ninh, phòng thủ biên giới. Bên cạnh đó, việc bảo tồn, tôn tạo các di tích lịch sử của đường Hồ Chí Minh trong thời kỳ kháng chiến cũng mang giá trị văn hóa, nhân văn sâu sắc, giáo dục và phát huy truyền thống dựng nước, giữ nước hào hùng của ông cha ta cho các thế hệ trẻ mai sau.